Hôm nay tôi đi ăn đám cưới chị của đứa bạn, con bạn xếp ngay bàn cũng mấy ống anh họ của nó. Cứ hai phút mấy anh lại nâng cốc một lần. Và tất nhiên, họ cũng mời tôi uống. Và theo phép lịch sự, tôi cũng uống một chai, trong suy nghĩ của tôi là chỉ uống hết chai này thôi, dù họ có nói gì đi chăng nữa. Xác định như thế nên mỗi lần nâng cốc tôi thường uống rất ít, và sau đó uống nước suối. Vậy mà mấy anh cứ ép phải uống hết, họ bắt đầu nói mấy câu mà ông cha ta nói là khích bác nhau, nào là “hôm nay là đám cưới mà, chú cứ uống hết đi, say anh đưa mày về” hay là “mày uống như thế thì sao làm bạn với cái A”. Nhưng dù họ có nói thế nào tôi vẫn nhất quyết chỉ uống một chai. Bởi lẽ tôi không như họ, tôi sẽ không vì hai chữ “sĩ diện” mà cứ họ một cốc, tôi một cốc. Tôi đâu quan tâm họ nghĩ gì về tôi bởi có khi cả cuộc đời này tôi chỉ gặp họ có một lần.
Đó là câu chuyện của tôi, còn bạn có suy nghĩ như thế nào?
Xã hội bây giờ càng ngày càng tiến bộ, xã hội bây giờ là xã hội không còn đánh giá giá trị của thằng đàn ông được chứng minh thông qua số lít rượu anh ta uống, số lon bia anh ta có thể cho vào bụng mà đánh giá những gì anh ấy có được trong cuộc sống này.
Văn hóa nhậu ở Việt Nam: đã ngồi vào bàn là phải uống, mà đã uống là phải 100%, phải hết ly, phải cạn ly, phải theo bàn, phải ôm chai, … Nói chung là phải hết mình, ai không theo được như vậy hoặc lên tiếng không uống sẽ bị phán không nhiệt tình, không hết mình, không có tình cảm với anh em, coi thường bạn bè, nặng hơn thì không phải là đàn ông, …
Nhưng hỡi ôi, sau khi hết mình với anh em, nhiệt tình với bạn bè thì giá trị đàn ông nằm ở đâu? Câu trả lời chắc chắn rằng không phải nó nằm ở số lít, số chai, số lon mỗi người uống được, mà nó vỡ như bọt xà phòng khi còn đó là những thân xác tàn tạ, nói năng loạn xạ không ra một trật tự nào, đi đứng liêu xiêu. Sau khi say xỉn đến độ không biết gì như thế bao nhiêu hệ lụy xảy ra, không kiểm soát được chính mình, không kiểm soát được hành động lời nói, hàng xóm láng giềng hết tình hết nghĩa, bạn bè, anh em không nhìn mặt nhau, vợ chồng lục đục, bạo hành gia đình, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, …, báo đài đăng liên tục, ngày nào cũng thấy, càng kể ra càng thấy sợ.
Xem thêm: Chế độ ăn uống khoa học dành cho người lớn tuổi
Như là tai nạn giao thông thì ngoài các tổn thất về người, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho hay tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia gây thiệt hại 250 tỷ đồng/ngày.
Đó là vì sao người Việt Nam nghèo mãi vẫn nghèo, do người Việt Nam lãng phí quá nhiều, lãng phí tài nguyên, lãng phí con người và lãng phí cả bia, rượu nữa. Không lãng phí sao được khi cố gắng uống càng nhiều càng tốt rồi sau đó tống ra càng nhiều càng tốt. Mà một lon bia có giá trị bằng khoảng một kg gạo.
Một cuộc nhậu một người có thể dùng hết 12 lon bia, tương ứng với người đã dùng khoảng 12 kg gạo. Rồi sau đó tôi tống hết ra ngoài gần 8 – 9 kg. Vậy người đó đã lãng phí như thế đấy.
“Văn hóa nhậu” là con sâu, là căn bệnh trầm kha. Nó cắn nát đi nhân cách, trí tuệ, của cải của người dân Việt Nam. Nó cắn nát thuần phong, mỹ tục của chúng ta, nó làm cho hình ảnh của người Việt Nam xấu đi rất nhiều trong mắt bạn bè quốc tế, làm họ coi thường chúng ta. Giả sử nếu người đó không nôn thì số bia đó cũng ra sức tra tấn lục phủ, ngũ tạng của người đó đến mức đầu đau như búa bổ, tim đập loạn xạ, huyết áp tăng, thận và phổi làm việc hết công suất và chắc chắn cái dạ dày tội nghiệp của họ phải oằn lưng chịu trận (lãng phí sức khỏe và tuổi trẻ).
Thiết nghĩ uống rượu không khó, dám từ chối chén rượu mới khó, mới cần chút bản lĩnh, cần sự nhẫn. Người từ chối được ly rượu mới làm được việc lớn, uống rượu hại sức khỏe, hại trí não, lúc say thì khó đảm bảo an toàn, nhỡ may xảy ra điều gì thì ai khổ? Cái khổ đầu tiên là chính mình, sau là vợ con, cha mẹ, lúc đó thì người bạn nhậu nào chia sẻ, gánh cho? Cái vui của mấy chén rượu liệu có bù cho nguy cơ nó đem lại không?
Thường thì khi lãnh hậu quả nặng người ta mới tỉnh ngộ, lúc đó đôi khi là muộn rồi. Có nhiều bài học mà người ta chỉ có cơ hội học một lần duy nhất nhưng phải trả cái giá đắt đỏ. Bản lĩnh đàn ông là dám từ chối rượu bia chứ không phải là say xỉn.
Đó chỉ là một phần trong suy nghĩ của tôi thôi nhé. Trên thực tế thì rượu bia có thể là cho các buổi họp mặt bạn bè, anh em vui vẻ hơn, tránh sự nhàm chán trong các bữa tiệc. Nhưng tốt nhất là đừng nên sử dụng quá nhiều để tránh những hệ lụy mà nó gây ra.
Bài viết tham khảo: Chia ly – nỗi buồn lớn nhất của con người